Tài liệu tham khảo:
1. Tạp chí “AERA with BABY”, một trong những tạp chí hàng đầu về chăm sóc, nuôi dạy trẻ từ 0-3 tuổi của Nhật
2. Tạp chí ひよこ: Tạp chí nuôi dạy trẻ Hyoko
Có rất nhiều cha mẹ gặp phải vấn đề con khóc đêm khi trẻ còn nhỏ dưới 1 tuổi, và con không chịu đi ngủ sớm, không chịu ăn trong giai đoạn tiếp theo. Lời khuyên của các bác sĩ và chuyên gia giáo dục Nhật giúp cha mẹ giải quyết những vấn đề khó khăn này chính là cha mẹ hãy bắt đầu bằng việc luyện cho trẻ thói quen sinh hoạt có quy tắc dậy sớm, ngủ sớm, để trẻ vận động thật nhiều vào buổi sáng (khoảng thời gian từ 9-12 giờ).
Trong phạm vi bài note ngắn mình không thể viết hết cho từng giai đoạn nhưng các cha mẹ có thể lấy đây là nguyên tắc chung để áp dụng dựa vào điều kiện và tính chất công việc của gia đình mình, vào từng lứa tuổi và giai đoạn phát triển của con. Việc luyện cho con có thói quen sinh hoạt có giờ giấc sẽ giúp cha mẹ giảm mệt mỏi rất nhiều ở giai đoạn 0-1 tuổi. Nếu có thời gian mình sẽ chia sẻ kỹ hơn trong từng giai đoạn ở các note tiếp theo.
Với các bé mới sinh sau khi được 2-3 tháng là đã bắt đầu hình thành thói quen sinh hoạt ngủ và thức có giờ giấc rồi, lúc này các bác sĩ khuyên rằng ban đầu cha mẹ hãy ghi lại lịch trình thức, ngủ và giờ bú của các bé rồi sau đó dần dần luyện cho bé sinh hoạt theo nguyên tắc dưới đây. Với các bé đã lớn hơn chút quen ngủ muộn thì hãy bắt đầu bằng việc cho các bé thức dậy sớm, vận động nhiều ban ngày thay vì cố ép các bé đi ngủ sớm.
1. “Bộ não buổi sáng” rất quan trọng với sự phát triển của trẻ nhỏ
“Bộ não buổi sáng sớm” là thuật ngữ các bác sĩ muốn ám chỉ rằng nếu được tắm ánh nắng mặt trời vào buổi sáng, được vận động nhiều vào buổi sáng (trưa) não sẽ được kích thích, tinh thần và cơ thể cũng sẽ khỏe mạnh. Bộ não của trẻ sẽ được kích thích và phát triển thông qua sự tiếp xúc của 5 giác quan như nghe, nhìn, ngửi, sờ, nếm. Đối với sự phát triển của bộ não thì thần kinh serotonin, một thần kinh quan trọng của não giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, giấc ngủ, điều khiển cảm tình, ngoài ra nó còn nuôi dưỡng cảm xúc phong phú bởi nó giúp thay thế não cũ luôn cảm giác bất an, lo sợ bằng bộ não mới cho cảm giác an toàn, tươi trẻ hơn, lại được phát triển thông qua việc dậy sớm tắm ánh nắng mặt trời mỗi ngày.
2. Thói quen “dậy sớm-ngủ sớm, vận động nhiều” lại quan trọng đến thế với trẻ
Hãy lấy bản thân người lớn chúng ta làm ví dụ nhé. Bạn có thấy nếu hôm nào bạn dậy sớm, hít thở bầu không khí trong lành thay vì ngủ nướng ngủ vùi thì sẽ thấy hôm đó tinh thần rất sáng khoái không. Vì đồng hồ sinh học của cơ thể chúng ta 1 ngày chỉ có 25 tiếng, nên nếu ta bắt đầu muộn thì sẽ kết thúc muộn và tạo thành 1 vòng tuần hoàn muộn.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng đánh thức trẻ buổi sớm lúc trẻ đang ngủ say thì thấy tội nghiệp nên thôi để trẻ ngủ thêm chút nữa cũng chẳng sao. Thế nhưng việc trẻ hình thành thói quen sinh hoạt có quy tắc và vận động nhiều ngay từ bé lại vô cùng quan trọng vì nó sẽ giúp cơ thể trẻ có đồng hồ sinh học chạy đúng nhịp, giúp trí não phát triển từ đó dẫn đến tinh thần và sức khỏe của trẻ luôn ở trạng thái khỏe khắn, vui tươi, kích thích sự tò mò ham học hỏi, và giảm bớt mè nheo nhõng nhẽo cha mẹ. Và đó cũng là lí do mà các nhà trẻ hãy mẫu giáo của Nhật luôn cho trẻ đi dạo và chơi đùa ở công viên vào buổi sớm tầm 9-10 giờ sáng. (Bản thân mình mỗi ngày trên đường đến trường đều đi qua một nhà trẻ ở trong khuôn viên trường và thấy điều này).
Thói quen sinh hoạt có quy tắc dậy sớm, ngủ sớm và vận động nhiều chính là chìa khóa giúp tạo ra “bộ não sáng sớm” thông qua cách luyện cho trẻ những thói quen sau:
– Hãy đánh thức trẻ dậy lúc 6g rưỡi mở rèm để ánh nắng chiếu vào.
– Ăn sáng xong thì chơi cùng trẻ những trò chơi như tập bò, để cơ thể được vận động thật nhiều
– Dẫn trẻ ra ngoài đi dạo buổi sớm (tùy thời tiết mà cha mẹ điều chỉnh việc cho trẻ đi dạo trong khoảng 9-12g).
– Đến thời kì ăn dặm thì cần cung cấp đủ dinh dưỡng.
– Buổi tối cho trẻ ngủ sớm tầm 8g tối.
– Ngoài ra nếu con bạn đã quen dậy trễ rồi mà muốn bé bắt đầu thói quen sinh hoạt có quy tắc thì thay vì ép bé ngủ sớm vào buổi tối hãy đánh thức bé dậy sớm vào buổi sáng bằng cách mở rèm để ánh nắng mặt trời chiếu vào cho mắt bé quen dần, mỗi ngày hãy đánh thức bé dậy sớm hơn 10-15 phút để tiến dần đến mục tiêu bạn đề ra.
Dưới đây là các bước cụ thể giúp cha mẹ cải thiện giấc ngủ đêm cho bé và giúp bé ăn ngon, ít khóc nhè.
3. Các bước giúp trẻ ngủ ngon không khóc đêm
Đối với trẻ nhỏ giấc ngủ rất quan trọng vì đó còn là thời gian giúp bộ não phát triển và nuôi dưỡng cơ thể.
– Bước đầu tiên giúp bé có giấc ngủ ngon đó là hãy điều chỉnh nhiệt độ cơ thể cho bé trước khi ngủ. Khi nhiệt độ cơ thể giảm 1 độ C thì cơ thể sẽ cảm thấy buồn ngủ vì thế tốt nhất hãy tắm cho bé trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng, hoặc là sau bữa ăn dặm, sau khi bú nếu không phải trời lạnh thì mẹ có thể dùng quạt tay quạt nhẹ cho bé để dụ bé vào giấc ngủ. Cha mẹ hãy dựa vào hoàn cảnh và điều kiện thời tiết để áp dụng phương pháp này.
– Bước thứ hai là điều chỉnh ánh sáng. Sau khi sinh được 5 ngày trẻ sơ sinh đã có thể phân biệt được ngày và đêm. Dưới ảnh hưởng ánh sáng mặt trời thì tự khắc đồng hồ sinh học trong cơ thể bé sẽ hoạt động. Chính vì thế dưới môi trường ánh sáng mà cha mẹ điều chỉnh bé sẽ bắt đầu hình thành nhịp sinh hoạt có quy tắc. Nếu cha mẹ tạo thói quen mở rèm lúc 6-7 giờ sáng để bé quen ánh nắng buổi sớm, cho bé đi dạo lúc 8-9 giờ để bé tắm nắng (tùy theo mùa có thể điều chỉnh thời gian này), giấc ngủ trưa hãy để ánh sáng ban ngày và tiếng ồn thay vì kéo rèm để bé không bị nhầm với buổi tối, còn buổi tối khoảng 8 giờ để phòng ngủ giảm ánh sáng và ru bé ngủ. Nếu như ngay từ khi bé mới sinh ra đã được luyện thói quen phân biệt được ngày đêm qua sự điều chỉnh về ánh sáng như này thì tự khắc đồng hồ sinh học của bé sẽ hoạt động theo đúng quy tắc.
– Bước thứ ba là hãy giữ thói quen sinh hoạt có quy tắc và bắt đầu càng sớm cho bé càng tốt. Nếu bạn đã đề ra mục tiêu sinh hoạt có quy tắc cho bé (với bé đã hơn 1 tuổi trở đi) như là 7 giờ sáng dậy, 8 giờ tối đi ngủ, ngủ trưa tầm 1 -1 tiếng rưỡi, giờ nào là giờ ăn, giờ nào chơi thì hãy quyết tâm thực hiện. Đặc biệt hãy sắp xếp thời gian để bé và mẹ cùng trải qua những hoạt động thiết thực như đi dạo ngoài trời vào buổi sớm (9-10 giờ), chơi cùng nhau, để bé chơi với các bạn cùng lứa, buổi chiều là thư giãn ở nhà hoặc dẫn trẻ đi dạo…và tránh tình trạng để bé ngủ gà gật vào những thời gian không phải là giấc ngủ. Nếu bạn dụ trẻ bằng cách coi ti vi hoặc trên máy vi tính thì mỗi ngày không nên để quá 30 phút. Ngoài ra cả cha và mẹ hãy tạo thời gian trò chuyện và chơi nhiều với bé vì đó là khoảng thời gian khiến trẻ cảm thấy an toàn và có tâm lí ổn định vì cảm nhận được tình yêu của cha mẹ.
– Để giúp bé đi vào giấc ngủ đêm tốt đôi khi bạn cũng cần những bí quyết gọi là nghi thức dụ trẻ ngủ ví dụ như lấy truyện đọc cho bé, cho bé nhìn ông trăng hay ánh sao trên trời như là những ám thị để bé hiểu rằng đã đến giờ đi ngủ rồi.
4. Làm thế nào khi trẻ khóc
– Khi trẻ khóc dù là đêm hay ban ngày, trước tiên cha mẹ đừng quá sốt sắng khi nghe tiếng con khóc. Ở giai đoạn trẻ sơ sinh, khóc còn là một vận động giúp trẻ rèn luyện hô hấp nữa. Khi trẻ mới sinh ra kỹ năng hô hấp vẫn chưa hoàn thiện như người lớn nên khóc là một vận động làm tăng cường các cơ giúp trẻ hô hấp, đồng thời còn giúp cho phổi được mở rộng.
Ngoài ra việc khi trẻ khóc sẽ cử động đập tay đập chân còn là vận động giúp trẻ tăng nhiệt độ cơ thể, và tự bản thân điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của mình nữa đấy (vì giai đoạn sơ sinh này nhiệt độ cơ thể của trẻ vẫn chưa ổn định). Hầu hết ở giai đoạn này các bà mẹ khi nghe con khóc thì việc đầu tiên là bế con lên ôm ấp và cho con bú. Nhưng các mẹ lại không ngờ chính việc ôm trẻ có thể sẽ trở thành rào cản vô tình cản trở việc trẻ luyện tập cho cơ thể mình phát triển, đôi khi còn khiến trẻ mệt mỏi hơn. Đồng thời việc khi trẻ khóc là bế và cho bú luôn cũng có thể là một nguyên nhân khiến trẻ hình thành thói quen “hư” là phải bế hoặc phải cho bú mới ngủ…
– Hầu hết khi trẻ mới sinh ra cha mẹ chưa thể phân biệt được nhu cầu của trẻ qua tiếng khóc mà cần phải trải qua một chút thời gian. Các bác sĩ khuyên rằng ban đầu bạn hãy vỗ nhẹ vào lưng con, hỏi han, xem bỉm cho con, rồi sau đó một vài phút nếu con không nín thì hãy làm các cách khác như bế và cho con bú. Nếu đã bế và cho trẻ bú mà trẻ vẫn không nín thì có thể xem con mặc tã có bị nóng quá, lạnh quá hay bị côn trùng cắn hay không. Để trẻ chờ đợi vài phút cũng là một cách giúp trẻ hiểu rằng không phải trẻ đòi hỏi là sẽ được đáp ứng ngay, trẻ cần phải chờ đợi để thông qua đó dạy cho trẻ tính kiên nhẫn. Ở giai đoạn từ 3 tháng trở đi có nhiều mẹ sẽ không cho trẻ bú đêm dù trẻ khóc mà chỉ vỗ nhẹ vào lưng để tránh thói quen cho trẻ bú đêm nhiều lần, và bản thân cũng có giấc ngủ dài hơn.
– Ngoài ra, bạn hãy xem mình đã cho trẻ bú lượng sữa thích hợp mỗi ngày chưa? Nếu như trẻ được vận động nhiều mà vẫn khóc thì có thể do lượng sữa bạn cho bú và cho uống là nguyên nhân. Hãy coi lại lượng sữa cho bú và cho uống nhiều hay ít.
– Nếu như trẻ có khóc nhiều quá và ngủ quá giờ ngủ trưa mà mình quy định khoảng 30 phút thì cũng không nhất thiết phải đánh thức trẻ dậy. Khi trẻ khóc mệt quá mà ngủ thiếp đi thì hãy vỗ nhẹ vào lưng trẻ để ru trẻ.
Dưới đây là một ví dụ về thời gian sinh hoạt cho các bé theo từng giai đoạn:
1. Cho bé 1-2 tháng (bú 8 lần, ra ngoài 1 lần, ngủ trưa 3 lần): thời gian sinh hoạt của trẻ đã có patern rõ rệt hơn so với lúc mới sinh ra nhưng vẫn cần cha mẹ dựa vào giờ giấc bản thân trẻ để điều chỉnh. Ví dụ 5:00: cho bú , 7:00 thức dậy, bú, ngủ; 9:00 tắm nắng ngoài trời, cho bú; 11:00 cho bú, ngủ trưa; 14:00 cho bú, ngủ trưa; 17:00 tắm; 18:00 cho bú; 20:00 ngủ (hãy tăt đèn và để phòng tối); 22:00 bú sữa, 1:00 bú sữa.
2. Cho bé 3-4 tháng (bú 6 lần, đi dạo 1 lần, ngủ trưa 2 lần): lúc này bé đã có thể đi dạo bên ngoài nhiều hơn nên cha mẹ hãy bế bé ra ngoài dạo và chơi nhiều vào buổi sáng. Giai đoạn này trở đi có nhiều mẹ luyện không cho trẻ bú đêm bằng cách: đêm nếu trẻ khóc thì ban đầu là vỗ về như giới thiệu ở trên nhưng không bế bé ngay, sau đó nếu bé không nín hãythử lấy nước ấm cho vào bình sữa để cho bé bú thì chỉ sau một thời gian bé sẽ quen và không còn đòi bú đêm nữa.
6:30 dậy, cho bú; 9:30 cho bú; 10:00 đi dạo bên ngoài; 12:00 cho bú, 14:00 chơi trong nhà; 15:00 bú, ngủ trưa; 17:00 tắm; 18:00 cho bú, 19:00 ngủ (tắt đèn để phòng tối rồi cho bé ngủ); 21:00 cho bú, 2:00 cho bú.
3. Cho bé tầm 6-7 tháng tuổi (bú 4-5 lần, ăn dặm 1-2 lần, đi dạo 1 lần, ngủ trưa:2 lần)
0:00 bú sữa, 2:00-3:00 nếu khóc thì không bế mà để trẻ tự nín, 4:00-5:00 cho bú, 6:00 thức dậy, 6:00-7:00 chơi cùng ba (mẹ), 7:00-8:00 ăn sáng (ăn dặm và bú), 9:00-10:00 ngủ trưa 1, 11:00-12:00 đi dạo, 13:00-14:00 ăn dặm và bú, 14:00-15:00 ngủ trưa 2, 1500:16:00 chơi trong nhà, hoặc bế đi dạo, 17:00 bú, 19:00 tắm, cho bú 5 phút, 20:30 đi ngủ.
5. Giúp trẻ ăn ngon
– Trẻ không chịu ăn là nỗi lo lắng của rất nhiều bậc cha mẹ. Và để khắc phục điều này thì việc đầu tiên là cha mẹ hãy luyện cho trẻ thói quen sinh hoạt có quy tắc, vận động nhiều để giúp trẻ tăng ham muốn ăn uống. Muốn như vậy thì đầu tiên cha mẹ hãy xác nhận lại những bước sau:
– Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, hãy điều chỉnh lượng sữa cho bú, cho uống và ăn dặm phù hợp với giai đoạn phát triển. Khi bé đến 2 tháng tuổi thì lúc bé khóc cho bé bú, nhưng từ 3 tháng trở đi thì hãy luyện khi bé khóc đi nữa cũng đừng dỗ bé bằng cách cho bú.
– Đồng thời điều chỉnh thời gian cho bé ăn dặm và cho bú vào thời gian nhất định. Nếu mà dỗ trẻ bằng cách cho bú thì đến bữa trẻ sẽ không còn muốn ăn, hoặc sáng sớm lúc mới dậy mà cho trẻ ăn ngày ăn dặm thì trẻ cũng không ăn, khi đó hãy cho trẻ vận động một chút rồi hãy cho trẻ ăn.
– Bạn có cho trẻ vận động thật nhiều để trẻ đói không? Hãy dẫn trẻ ra ngoài đi dạo, đến thư viện chỗ trẻ con vui chơi để trẻ chơi thật nhiều vào ban ngày.
Làm thế nào để trẻ hứng thú với bữa ăn?
– Bữa ăn cũng như giấc ngủ, đôi khi bạn cần phải làm những ám hiệu (nghi thức) để trẻ nhận biết rằng đã đến giờ ăn. Ví dụ như chuẩn bị đến giờ ăn bạn sẽ đeo yếm cho bé, đặt trước mặt bé là bộ đồ ăn, cốc, đặt bé ngồi trước bàn ăn…dần dần bé sẽ quen và sẽ nhận ra là đã đến giờ ăn mỗi khi nhìn thấy những dụng cụ đó bày trước mắt mình.
– Hãy tạo môi trường để trẻ tập trung ăn uống bằng cách tắt tivi, mẹ cũng đừng chạy quanh làm việc nọ việc kia mà hãy tập trung cùng trẻ ăn. Cảm giác ăn uống chỉ thường diễn ra trong vòng 15-20 phút đầu tiên của bữa ăn nên nếu bạn vừa để trẻ ăn vừa để trẻ chơi, hay coi tivi thì sẽ giảm độ tập trung ăn uống ở bộ não, dẫn đến bữa ăn sẽ kéo dài và ham muốn ăn uống ở trẻ sẽ giảm đi.
– Hãy luyện thói quen dậy sớm ngủ sớm cho trẻ. Vì ham muốn ăn uống có liên quan mật thiết đến thời gian trẻ thức dậy và đi ngủ. Trẻ được tắm nắng sẽ giúp kích thích ham muốn ăn uống, đồng thời việc dậy sớm, cho trẻ ra bên ngoài hưởng không khí trong lành, vận động cũng rất quan trọng.
– Quyết định thời gian cho mỗi lần ăn dặm và cho bú: hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao nếu như mỗi bữa con của bạn ăn dặm và bú tốn nhiều thời gian. Đừng kì vọng con bạn sẽ tập trung như đang chơi trò chơi, vì thế hãy quyết định rằng bạn chỉ cho con ăn trong vòng 30 phút, nếu quá 30 phút thì hãy dọn đi chứ đừng cố ép trẻ ăn.
– Ăn dặm và bú sữa hãy cho cùng 1 set bằng cách suy nghĩ đến việc sau khi cho ăn dặm thì cho trẻ bú, bởi nếu bạn cho trẻ ăn dặm sau đó 2 tiếng lại cho trẻ bú thì sẽ khiến dạ dày của trẻ lúc nào cũng ở cảm giác lưng lửng bụng, lúc nào cũng như vừa mới ăn xong khiến trẻ không còn cảm giác đói, vì thế hãy tạo ra trạng thái đói cho trẻ.
– Không chỉ chú trọng đến trẻ mà ngay cả mẹ cũng cần phải bổ sung dinh dưỡng và cung cấp nước trong thời kỳ cho con bú. Bởi vì vậy mẹ cũng cần phải ăn đủ 3 bữa mỗi ngày và đủ dinh dưỡng cho con.
Các thắc mắc thường gặp:
– Nếu hôm nay trẻ uống sữa ít nhưng ngày mai lại uống như bình thường thì không cần phải điều chỉnh. Vì đôi khi việc uống sữa hay ăn uống còn tùy thuộc vào tâm trạng hay tình trạng cơ thể của trẻ hôm đó.
– Sau khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm rồi thì không nên cho trẻ bú đêm? Dù mới bắt đầu cho trẻ ăn dặm nhưng mà cho bú sữa mẹ hay uống sữa ngoài vẫn cần thiết. Việc cho trẻ tiếp tục bú đêm hay không thì tùy vào quyết định của mẹ. Nhưng trẻ tầm 5-6 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn rất quan trọng, nên ban đêm vẫn có thể cho trẻ bú 1-2 lần.
Lời cuối:
Việc áp dụng cho trẻ khung giờ ngủ, sinh hoạt còn tùy thuộc vào điều kiện từng gia đình và tính chất công việc của các bậc cha mẹ. Mình biết có nhiều gia đình ở Nhật ba thường đi làm về khuya (sau 9,10 giờ) nên các bé không được gặp ba buổi tối. Nhưng ngược lại sáng hôm sau lại dậy sớm và bữa sáng là thời gian để cả nhà quây quần bên nhau.
Cá nhân mình thì nghĩ rằng việc đứa trẻ hình thành thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc ngay từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập, thói quen sống có quy tắc và trách nhiệm khi trẻ lớn lên.